Chỉ một ngày sau khi Ngân hàng công bố hạ trần lãi suất, nhiều ngân hàng ồ ạt điều chỉnh giảm lãi suất huy động.
Việc điều hành lãi suất được Ngân hàng Nhà nước thực hiện dựa trên tình hình kinh tế vĩ mô, gắn với khả năng kiểm soát, điều hành các công cụ của chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ.
Đợt giảm lãi suất gần đây nhất vào ngày 17/3, Ngân hàng Nhà nước công bố giảm hàng loạt lãi suất chủ chốt. Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,2%/năm xuống 1%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm.
Theo xu hướng đó chỉ sau đó 1 ngày, nhiều ngân hàng ồ ạt điều chỉnh giảm lãi suất huy động.
Động thái giảm trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng là hợp lý và kịp thời. Lãi suất huy động giảm giúp ngân hàng có cơ hội giảm lãi suất cho vay. Như vậy, doanh nghiệp được hưởng chi phí vốn rẻ hơn, hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn.
Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là, lãi suất huy động vốn giảm thì người dân có đổ xô vào đầu tư vào các kênh khác mang lại lợi nhuận cao hơn như bất động sản không?
Lãi suất ngân hàng giảm, người dân đầu tư nhiều hơn vào Bất động sản?
Trả lời về những tác động có thể có của sự cắt giảm lãi suất đối với các kênh đầu tư khác liên quan, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến, cho rằng, về lý thuyết, ở một thị trường hoàn hảo và có các chính sách điều hành linh hoạt, lãi suất giảm thì các thị trường như chứng khoán, bất động sản… sẽ hưởng lợi. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam và bối cảnh lần cắt giảm này, phản ứng người dân rút tiền để đầu tư Bất động sản sẽ không lớn. Bởi vì vì lãi suất chỉ hạ ở các kỳ hạn dưới 6 tháng; các kỳ hạn dài hơn vẫn được thỏa thuận và hấp dẫn.
Đối với nhiều người dân, việc giảm lãi suất lần này không ảnh hưởng lớn lắm đến tâm lý đầu tư của họ vì gửi tiền ngân hàng luôn là sự lựa chọn chắc chắn.
Sự điều chỉnh lãi suất này sẽ kích thích dòng tiền gửi tập trung ở các kỳ hạn dài hơn với lãi suất cao hơn. Điều này là rất cần thiết cho các ngân hàng thương mại trong cân đối vốn.